Hướng dẫn chi tiết cách đọc, cách nhớ dễ dàng nhất bảng chữ cái tiếng Trung cho người mới học. Bạn hãy cùng Riviewer khám phá ngay nhé!
Riviewer xin giới thiệu tới các bạn Bảng chữ cái tiếng Trung cho người mới học, cách phát âm bảng phiên âm latinh tiếng Trung dễ nhớ, dễ học và chuẩn xác nhất.
Một âm tiết đầy đủ bao gồm thanh mẫu, vận mẫu và thanh điệu:
+ Thanh mẫu là phụ âm mở đầu của âm tiết. + Phần phía sau của các thanh mẫu được gọi vận mẫu ( còn gọi là nguyên âm) + Kí hiệu phía trên vận mẫu gọi là thanh điệu, cũng như trong tiếng Việt chúng ta gọi là dấu.
Nắm chắc và phát âm chuẩn là nền tảng vững chắc cho việc học tốt tiếng trung sau này, các bạn hãy cùng tìm hiểu cách phát âm các thanh mẫu và vận mẫu này cùng Riviewer nhé!
Âm Tiết = Thanh mẫu + Thanh điệu + Vận mẫu
1. Học phát âm tiếng Trung với các thanh mẫu (phụ âm):
Trong tiếng Hoa có 21 thanh mẫu, cụ thể phân thành các nhóm sau:
1.1 Học phát âm tiếng Trung với âm 2 môi:
Khi phát âm nhóm âm nay hai môi tiếp xúc, sau đó mở ra nhanh.
b – Hai môi tiếp xúc, sau đó mở nhanh, đọc gần giống chữ “p” trong tiếng Việt.
p – Cách phát âm giống thanh mẫu “b”, nhưng lúc phát âm cần bật hơi.
m – phát âm giống phụ âm “m” trong tiếng Việt.
1.2 Học phát âm tiếng Trung với âm môi răng:
f – phát âm tương tự phụ âm “ph” trong tiếng Việt.
1.3 Học phát âm tiếng Trung với âm đầu lưỡi:
Khi phát âm nhóm âm này ta đưa đầu lưỡi về phía trước.
d – Phát âm giống phụ âm “t” trong tiếng Việt.
t – phát âm giống phụ âm “th” trong tiếng Việt, nhưng cần bật hơi.
n – Phát âm giống phụ âm “n” trong tiếng Việt.
l – Phát âm giống phụ âm “l” trong tiếng Việt.
1.4 Học phát âm tiếng Trung âm đầu lưỡi trước:
Khi đọc tổ âm này, đưa đầu lưỡi về phía trước, đầu lưỡi thẳng, tiếp xúc giữa hai hàm răng trên và dưới.
z – Phát âm gần giống chữ “Chư” trong tiếng Việt, nhưng đầu lưỡi thẳng, tiếp xúc giữa hai hàm răng trên và dưới.
c – Phát âm giống thanh mẫu “z”, nhưng bật hơi.
s – Phát âm giống phụ âm “sư” trong tiếng Việt, nhưng đầu lưỡi thẳng, tiếp xúc giữa hai hàm răng trên và dưới.
1.5 Học phát âm tiếng Trung với âm đầu lưỡi sau:
Khi đọc tổ âm này, đầu lưỡi uốn cong lên.
zh – Phát âm giống chữ “chư” trong tiếng Việt, nhưng đầu lưỡi uống cong lên, tiếp xúc với ngạc cứng phía trên.
ch – Phát âm giống thanh mẫu “zh” , nhưng bật hơi.
sh – Phát âm giống phụ âm “sư” trong tiếng Việt, nhưng đầu lưỡi uống cong lên, tiếp xúc với ngạc cứng phía trên.
r – Đọc giống “rư” trong tiếng Việt, nhưng uốn lưỡi cong lên, chú ý không rung lưỡi.
1.6 Học phát âm tiếng Trung với âm mặt lưỡi:
Khi phát âm nhóm âm này, lưỡi thẳng, đầu lưỡi chạm vàm chân hàm răng dưới.
j – Phát âm gần giống “chi” trong tiếng Việt, đầu lưỡi chạm vào chân hàm răng dưới.
q – Phát âm gần giống thanh mẫu “j”, nhưng cần bật hơi mạnh.
x – Phát âm gần giống “xi” trong tiếng Việt, nhưng đầu lưỡi chạm vào chân hàm răng dưới.
1.7 Học phát âm tiếng Trung với âm cuống lưỡi:
g – Đọc gần giống phụ âm “c” trong tiếng Việt.
k – Đọc gần giống “kh” trong tiếng Việt, nhưng tắc và bật mạnh hơi trong cuống họng.
h – Đọc gần giống “h” trong tiếng Việt, nhưng sát nhẹ ở cuống họng, gần như giữa “h” và “kh” trong tiếng Việt.
ng – Phụ âm này không đứng trước nguyên âm như tiếng Việt, chỉ đứng cuối một số vận mẫu, ví dụ: eng,ang,ong….
2. Cách phát âm tiếng Trung- Vận mẫu (Nguyên âm):
Hệ thống phiên âm trong tiếng Trung gồm 36 vận mẫu (nguyên âm), gồm 6 nguyên âm đơn, 13 nguyên âm kép, 16 nguyên âm mũi và 1 nguyên âm uốn lưỡi. Các nguyên âm này phát âm như sau:
2.1 Học phát âm tiếng Trung – Nguyên âm Đơn:
Đầu tiên Là nguyên âm đơn, các bạn cùng học phát âm tiếng Trung các nguyên âm này nhé.
a – Cách phát âm gần giống “a” trong tiếng Việt. Chú ý miệng há to.
o – Cách phát âm hơi giống “ô” trong tiếng Việt. Chú ý tròn môi.
e – Cách phát âm hơi giống “ơ” và “ưa” trong tiếng Việt. (Khi kết hợp với thanh nhẹ thường đọc là ơ).
i – Cách phát âm giống “i” trong tiếng Việt.
u – Cách phát âm giống “u” trong tiếng Việt.
ü – Cách phát âm hơi giống “uy” trong tiếng Việt, nhưng tròn môi, chú ý giữ môi tròn suốt quá trình phát âm.
2.2 Học phát âm tiếng trung – Nguyên âm Kép:
ai – Cách phát âm gần giống âm “ai” trong tiếng Việt.
ei – Cách phát âm gần giống âm “ây” trong tiếng Việt.
ao – Cách phát âm gần giống âm “ao” trong tiếng Việt.
ou – Cách phát âm gần giống âm “âu” trong tiếng Việt.
ia – Cách phát âm – phát nguyên âm “i” trước, sau đó lập tức chuyển sang phát nguyên âm “a”, gần giống như chữ “gia” trong tiếng Việt.
ie – Cách phát âm – phát nguyên âm “i” trước, sau đó lập tức chuyển sang phát nguyên âm “e”. Cách phát âm gần giống âm “ia” trong tiếng Việt.
ua – Cách phát âm gần giống âm “oa” trong tiếng Việt.
uo – Cách phát âm gần giống âm “ua” trong tiếng Việt.
üe – Cách phát âm – phát nguyên âm “ü” trước, sau đó dần dần chuyển sang phát nguyên âm “e”. Cách phát âm gần giống âm “uê” trong tiếng Việt.
iao – Cách phát âm – phát nguyên âm “i” trước, sau đó lập tức chuyển sang phát nguyên âm kép “ao”. Cách phát âm gần giống âm “eo” trong tiếng Việt.
iou – Cách phát âm – phát nguyên âm “i” trước, sau đó lập tức chuyển sang phát nguyên âm kép “ou”. Cách phát âm na ná âm “yêu” trong tiếng Việt.
uai – Cách phát âm gần giống âm “oai” trong tiếng Việt.
uei – Cách phát âm gần giống âm “uây” trong tiếng Việt.
2.3 Học phát âm tiếng Trung – Nguyên âm Er:
er – Phát âm giống nguyên âm “ơ” trước, sau đó, lưỡi dần dần cuốn lên.
Chúng ta tiếp tục học phát âm tiếng Trung với Nguyên âm mũi nhé.
2.4 Học phát âm tiếng trung – Nguyên âm Mũi:
an – Phát âm gần giống “an” trong tiếng Việt.
en – Cách phát âm gần giống âm “ân” trong tiếng Việt.
in – Cách phát âm gần giống âm “in” trong tiếng Việt
ün – Cách phát âm na ná âm “uyn” trong tiếng Việt, nhưng chú ý tròn môi.
ian – Phát nguyên âm “i” trước, sau đó chuyển sang phát nguyên âm mũi “an”. Cách phát âm gần giống âm “iên” trong tiếng Việt.
uan – Cách phát âm gần giống âm “oan” trong tiếng Việt.
üan – Phát nguyên âm “ü” trước, sau đó chuyển sang phát nguyên âm mũi “an”. Cách phát âm gần giống âm “oen” trong tiếng Việt.
uen (un) – Cách phát âm gần giống âm “uân” trong tiếng Việt.
ang – Cách phát âm gần giống “ang” trong tiếng Việt.
eng – Cách phát âm gần giống “âng” trong tiếng Việt.
ing – Cách phát âm gần giống “inh” trong tiếng Việt.
ong – Cách phát âm na ná “ung” trong tiếng Việt.
iong – Phát nguyên âm “i” trước, sau đó, chuyển sang phát nguyên âm mũi “ung”. Cách phát âm giống với âm “dung” trong tiếng Việt.
iang – Phát nguyên âm “i” trước, sau đó, chuyển sang phát nguyên âm mũi “ang”. Cách phát âm gần giống “giang” trong tiếng Việt.
uang – Cách phát âm gần giống “oang” trong tiếng Việt.
ueng – Cách phát âm na ná “uâng” trong tiếng Việt.
3. Học phát âm thanh điệu (dấu) trong tiếng Trung
Tiếng Trung có 4 thanh điệu cơ bản và thanh nhẹ, được đánh trên nguyên âm chính của âm tiết. Các bạn cùng học cách phát âm các thanh điệu tiếng Trung này nhé:
Thanh 1: Kí hiệu: – , độ cao 55 , đọc như thanh không trong tiếng Việt nhưng cao và kéo dài. Ví dụ: bān,…
Thanh 2 : Kí hiệu : / , độ cao 35, viết và đọc đều giống dấu sắc trong tiếng Việt. Ví dụ: míng,…
Thanh 3 : Kí hiệu: v , độ cao 214, đọc giống dấu hỏi trong tiếng Việt, nhưng phần cuối cần luyến lên cao. Ví dụ: mǎi,…
Thanh 4: kí hiệu: \ , độ cao 51, đọc trong khoảng giữa dấu huyền và dấu nặng, đọc nhanh và rứt khoát.Ví dụ: qù,…
Thanh nhẹ: Không có kí hiệu dấu phía trên nguyên âm, đọc như không dấu trong tiếng Việt nhưng đọc ngắn và nhẹ.
Ví du: Māma,…
Nguyên âm “e” khi kết hợp thanh nhẹ thường đọc là “ơ”.
Ví dụ: Âm tiết “de” đọc gần giống “tơ” trong tiếng Việt.
Thông thường 4 ký hiệu thanh điệu trên được đánh dấu trên nguyên âm đứng trước theo thứ tự dãy nguyên âm đơn (a, o, e, i, u, ü ) Ví dụ: dāo; máo; tiě; zhàn.
Chú ý:
– Khi nguyên âm “ i” mang thanh điệu thì phải bỏ dấu chấm ở trên “i” đi. ví dụ: Nǐ,…
– Đối với trường hợp vận mẫu là “ui” và “iu” thì ký hiệu thanh điệu được viết trên nguyên âm đứng sau. Ví dụ: Shuǐ; Suí,…
– Thanh nhẹ: đọc vừa ngắn, vừa nhẹ, khi ghi ký hiệu gì trên âm tiết khi chú phiên âm.
4. Quy tắc phiên âm:
Khi học phát âm tiếng Trung bạn cần lưu ý nhớ một số quy tắc sau:
1. Khi nguyên âm i,u, ü đứng một mình trở thành âm tiết thì ta cần phiên âm như sau: i-> yi; u-> wu; ü -> yu.
2. Khi i,u, ü mở đầu một âm tiết thì ta đổi i thành “y” , u thành “w” , ü thành “yu” và kết hợp với các nguyên âm còn lại phía sau.
Ví dụ:
ia -> ya
uan -> wan
3. Khi ü hoặc vận mẫu bắt đầu bằng ü kết hợp với thanh mẫu j,q,x thì ta phải bỏ hai dấu chấm phía trên nguyên âm “u” đi.
Ví dụ:
ü an -> yuan
J + ün -> Jun
4. Các vận mẫu “iou, uei, uen” khi kết hợp với thanh mẫu thì cần tỉnh lược nguyên âm “o, e” ở giữa đi.
Ví dụ:
d + uei -> dui
l + iou -> liu
z+ uen -> zun
5. Vận mẫu “i” Khi kết hợp với thanh mẫu “z,c,s, zh, ch, sh, r” thì ta đọc như “ư” trong tiếng Việt.
Ví dụ:
âm tiết “zi” đọc gần giống “chư” trong tiếng Việt.
5. Một số hiện tượng biến điệu khi học phát âm tiếng Trung
(1) Biến điệu của thanh thứ 3
Hai âm tiết cùng mang thanh 3 đi liền nhau thì âm tiết đầu đọc thành thanh 2, chú ý kí hiệu 2 thanh 3 không thay đổi.
Ví dụ:
Nǐ + hǎo => đọc thành ní + hǎo (Nǐ hǎo)
(2) Nửa thanh 3:
Thanh 3 đứng trước âm tiết mang thanh 1, thanh 2, thanh 4 và thanh nhẹ, thường chỉ đọc nửa thanh 3, vẫn dùng kí hiệu thanh 3 để ghi.
(3) Biến điệu của “一 Yī”
“一Yī” đứng một mình hoặc ở cuối câu đọc là : “Yī”.
“一Yī” đứng trước âm tiết mang thanh 1, thanh 2, thanh 3 thì đọc và viết thành thanh 4 : “yì”. Ví dụ: Yì xiē,…
“一Yī” đứng trước âm tiết mang thanh 4 thì viết và đọc thành thanh 2: “yí”. Ví dụ: Yí gè,…
(4) Biến điệu của “不 Bù”
“不Bù” đứng trước âm tiết thanh 4 thì ta viết và đọc thành thanh 2 “ bú”.
Ví dụ:
Bù + qù = > Bú qù
“不 Bù” đứng một mình hoặc đứng trước thanh 1, thanh 2, thanh 3 thì viết và đọc là thanh 4 “Bù”.
Ví dụ:
Bù hǎo
(5) Nguyên âm “er” và vần cuốn lưỡi
Nguyên âm “er” ngoài đứng một mình làm âm tiết, cũng có thể kết hợp với âm tiết khác, khi đó ta kí hiệu là chữ “r” đằng sau âm tiết đó, và đọc âm tiết đó cong lưỡi.
Ví dụ:
Huà + er => Huàr ( đọc cong lưỡi)
Việc kết hợp “er” với âm tiết khác có thể là do các tỉnh phía Bắc Trung Quốc thường phát âm cong lưỡi, nên thường kết hợp với vận mẫu này, hoặc đôi khi việc kết hợp với vận mẫu “er” cũng dẫn tới sự thay đổi về nghĩa.
Ví dụ:
画 Huà: Nghĩa là vẽ tranh
画儿 Huàr: Nghĩa là bức tranh
Phía trên là hướng dẫn chi tiết về cách đọc các thanh mẫu, vận mẫu , thanh điệu, quy tắc phiên âm và biến điệu trong tiếng Trung. Riviewer hy vọng đây là bài học bổ ích cho các bạn bắt đầu làm quen với tiếng Trung. Chúc các bạn thành công!